Năm 2024 vừa qua là tròn 30 năm Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất. Cùng với việc tổ chức kỷ niệm sự kiện này, các hoạt động thường xuyên trong năm vẫn được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thực hiện tốt, góp phần thu hút lượng lớn khách tham quan, đặc biệt là du khách quốc tế, tiếp tục mở ra cơ hội trong việc phát triển các tour tuyến, sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Hạ Long…
Vịnh Hạ Long có phạm vi rộng, liên quan tới nhiều ngành, địa phương, cần có cơ sở pháp lý được cập nhật thường xuyên để thực hiện tốt công tác quản lý di sản. Vì vậy, trong năm vừa qua, cơ chế, chính sách quản lý đã được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, đơn vị đã tập trung tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Cho tới nay, đối với nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã qua các bước thẩm định, hiện đang chờ Chính phủ phê duyệt để triển khai các bước tiếp theo.
Đối với nhiệm vụ xây dựng Đề án điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản Vịnh Hạ Long, hiện đã thống nhất phương án ranh giới, hoàn thiện chỉnh sửa dự thảo hồ sơ trên cơ sở ý kiến thống nhất với Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch và ý kiến tham vấn của chuyên gia quốc tế tư vấn, báo cáo Tổ công tác về Đề án… Cùng với đó là các nhiệm vụ liên quan đến giao khu vực biển tại di sản thế giới, nhiệm vụ phối hợp quản lý di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà…
Nghiên cứu sâu về giá trị di sản
Công tác nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học về Vịnh Hạ Long được đơn vị tập trung thực hiện và ứng dụng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản. Theo đó, đơn vị đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-BQLVHL ngày 15/3/2024 về quản lý khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long năm 2024; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm cung cấp thông tin đề xuất bổ sung diện tích khu rừng.
Đơn vị cũng đã tăng cường phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu, khảo sát, cập nhật dữ liệu về các giá trị của Vịnh Hạ Long. Cụ thể, về giá trị địa chất – địa mạo, Ban đã triển khai nhiệm vụ “Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy bền vững một số hòn điển hình có giá trị tiêu biểu về cảnh quan, địa chất – địa mạo trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long”.
Về giá trị đa dạng sinh học, Ban triển khai khảo sát, đánh giá hiện trạng và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của 30 hệ sinh thái Hồ nước mặn trên Vịnh Hạ Long; thực hiện khảo sát, khoanh vùng bảo vệ 1 rạn san hô có độ phủ từ 30% trở lên tại khu vực Soi Ván; thực hiện nhân giống, trồng bảo tồn loài Thiên tuế Hạ Long (thực vật đặc hữu); triển khai trồng bổ sung 200 cây giống Bông mộc và 100 cây Trai lý trên các đảo đá nhằm phục hồi hệ sinh thái thảm thực vật trên núi đá vôi sau cơn bão số 3.
Về giá trị văn hóa, Ban đã phối hợp nghiên cứu khảo sát và triển khai lập hồ sơ quản lý 7 địa điểm khảo cổ trên Vịnh; sưu tầm tư liệu liên quan đến văn hóa biển; bổ sung nội dung trưng bày khảo cổ tại hang Tiên Ông và khoanh vùng bảo vệ, đặt biển khu vực di vật khảo cổ tại động Mê Cung.
Đơn vị cũng đăng ký nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu, đánh giá giá trị lịch sử – văn hoá tại một số hang động trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị di tích”; tổ chức Hội thảo “Nhận diện, đánh giá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo trên Vịnh Hạ Long”. Cùng với đó, phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia giai đoạn 2022-2025, trong đó có hát đối – hát giao duyên cùng hò biển Quảng Ninh.
Đặc biệt, sau cơn bão số 3 đổ bộ đầu tháng 9/2024, Ban đã phối hợp với các chuyên gia tổ chức khảo sát, đánh giá sơ bộ những thiệt hại và nguy cơ tai biến tại các điểm tham quan trong khu vực di sản; báo cáo và đề nghị các cơ quan trung ương hỗ trợ, hướng dẫn Ban kết nối với các chuyên gia để đánh giá sâu hơn, tổng thể hơn về hiện trạng và những tác động của cơn bão đối với các giá trị của di sản.
Đơn vị cũng đã triển khai 180 đợt giám sát các giá trị di sản. Qua đó, kiểm soát, đánh giá, đưa ra các cảnh báo, nguy cơ tác động đến giá trị di sản và triển khai các giải pháp bảo vệ kịp thời, phù hợp; đồng thời là nguồn thông tin quan trọng để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý hiệu quả di sản Vịnh Hạ Long.
Chú trọng bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long
Công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Năm qua, đơn vị đã duy trì thường xuyên hoạt động giám sát định kỳ chất lượng môi trường vịnh, giám sát các hoạt động kinh tế – xã hội trên và ven bờ vịnh, kịp thời tham mưu báo cáo UBND tỉnh và đề nghị các đơn vị liên quan như UBND các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Vân Đồn có biện pháp tháo dỡ, thu gom phao xốp, vật liệu nuôi trồng thủy sản, xử lý các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện chương trình Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa, triển khai 125 lượt giám sát, tuyên truyền đến các chủ tàu du lịch, hướng dẫn viên du lịch và khách du lịch, các nhà hàng, khách sạn khu vực ven bờ, đơn vị cũng đã tổ chức thu gom gần 343 tấn rác thải trôi nổi trên Vịnh Hạ Long. Năm vừa qua, có thời điểm Vịnh Hạ Long xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường do phao xốp phát tán từ hoạt động tháo dỡ, di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép từ các địa phương và do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Ban đã tổ chức 5 đợt cao điểm ra quân làm sạch rác thải trên Vịnh Hạ Long, huy động 1.744 lượt phương tiện, 5.191 lượt nhân lực, thu gom được 4.771m3 rác các loại và 660 bè tre.
Thời gian qua, Ban cũng đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trái phép, các phương tiện thủy neo đậu không đúng nơi quy định ven bờ, các phương tiện thủy đeo bám tàu du lịch để bán hàng rong, ăn xin trên vịnh, các phương tiện tàu cá “3 không”; tình trạng một số cá nhân, tổ chức đưa người ra Vịnh Hạ Long không đúng quy định… Theo đó, năm 2024, Ban đã phối hợp tổ chức 227 lượt tuần tra, kiểm tra, giám sát; xử lý 185 vụ vi phạm, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền gần 1,69 tỷ đồng. Nhiều lần đề nghị UBND các địa phương lân cận như Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn phối hợp kiểm tra, xử lý đối với các bè mảng nuôi trồng thuỷ sản trái phép trên Vịnh Hạ Long và khu vực giáp ranh…
Theo thống kê, năm 2024 vừa qua, tổng số khách tham quan Vịnh Hạ Long đạt hơn 3,2 triệu lượt, trong đó có trên 2 triệu khách quốc tế, tăng 19,5% so với 2023; thu phí tham quan đạt 973,68 tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2023 và vượt 21,5% kế hoạch tỉnh giao.
Công tác phát triển các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách tham quan được tập trung triển khai. Đơn vị đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2119/QĐ-UBND ngày 19/7/2024 về công bố các hành trình tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, trong đó có 8 hành trình tham quan Vịnh Hạ Long, 10 hành trình tham quan Vịnh Bái Tử Long và 3 hành trình kết nối Vịnh Hạ Long – Vịnh Bái Tử Long; phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện khảo sát, thống nhất lựa chọn địa điểm, phương thức để phát triển các sản phẩm du lịch mới, trong đó chú trọng các sản phẩm hướng tới phân khúc khách du lịch cao cấp để báo cáo tỉnh.
Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý di sản và đón tiếp khách tham quan Vịnh Hạ Long được quan tâm bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, nhất là sau ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đồng thời, đơn vị cũng đã triển khai tổ chức ký hợp đồng tàu du lịch neo đậu, quay trở, cập cảng/bến đón trả khách tham quan trên Vịnh Hạ Long (gồm cả Vịnh Bái Tử Long) với 436 tàu (trong đó 324 tàu tham quan, 106 tàu lưu trú và 4 tàu nhà hàng, 2 du thuyền khám phá) và hợp đồng với 590 kayak, 100 đò chèo tay và 32 xuồng cao tốc đang hoạt động kinh doanh dịch vụ trên Vịnh Hạ Long.
Những nội dung kể trên sẽ được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp tục triển khai trong năm nay với quyết tâm cao, góp phần vào thực hiện các mục tiêu chung của tỉnh gắn với quản lý, bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản Vịnh Hạ Long.
Theo