Khai thác tiềm năng văn hóa, cảnh quan của khu vực miền núi và các địa phương vùng Đông Bắc của tỉnh, Quảng Ninh đang dần hình thành được chuỗi sản phẩm du lịch trái mùa đặc sắc. Nhờ đó, vừa làm giàu trải nghiệm, tạo ra những sản phẩm du lịch trọn vẹn cho du khách, vừa gia tăng sức hút cho điểm đến du lịch Quảng Ninh.
Tính mùa vụ của du lịch Quảng Ninh khá rõ nét: Mùa hè là mùa của du lịch biển với đối tượng chính là khách du lịch trong nước; mùa thu đông từ lâu đã được định hình là mùa của khách du lịch quốc tế với xu hướng lựa chọn các sản phẩm du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe.
9 tháng đầu năm được xác định là cao điểm của du lịch Quảng Ninh. Lượng khách đến Quảng Ninh trong năm chủ yếu tập trung vào khoảng thời gian này. Tỷ lệ tập trung khách trong 9 tháng duy trì ở mức cao, chiếm trên 80% lượng khách tới Quảng Ninh trong cả năm. Đơn cử, lượng khách tới Quảng Ninh trong 9 tháng năm 2023 đạt trên 83%; năm 2024, con số này đã bằng 82% kế hoạch năm. Những tháng còn lại, từ tháng 10 đến tháng 12, được coi là mùa thấp điểm của du lịch Quảng Ninh xét về lượng khách.
Hạn chế tính mùa vụ của du lịch, phát triển du lịch bốn mùa, tăng sức hút khách đến vào mùa thu đông là nhiệm vụ được tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện kể từ sau dịch bệnh Covid-19. Đây là một trong những mục tiêu nhằm tái cấu trúc, phục hồi ngành du lịch. Để Quảng Ninh trở thành “điểm đến quanh năm bốn mùa, không thể bỏ lỡ”, Tỉnh ủy đã giao UBND tỉnh chỉ đạo tập trung hoàn thiện Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với quan điểm “Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; đảm bảo trật tự an toàn xã hội”.
Tỉnh định hướng không gian phát triển du lịch gồm du lịch khu vực trung tâm với trọng tâm là Hạ Long – Bái Tử Long – Vân Đồn; Không gian du lịch Tây Nam với trọng tâm là TP Uông Bí – Yên Tử – Đông Triều – Quảng Yên và Không gian du lịch Đông Bắc với trọng tâm là Móng Cái -Trà Cổ, hướng phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo gắn với tài nguyên sinh thái núi, biển đảo; tài nguyên du lịch biên giới và văn hóa các dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở định hướng của Đề án, du lịch khu vực Đông Bắc Quảng Ninh, đặc biệt là tại các huyện miền núi như Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà thời gian qua đã có những khởi sắc rõ nét. Trong đó, Bình Liêu, huyện miền núi biên giới có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất cả tỉnh, là một điểm sáng. Những năm trở lại đây, huyện đã hình thành được chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa, cộng đồng đặc sắc gắn với văn hóa, lễ hội của các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ… như Hội mùa vàng, Hội Hoa sở, Hội hát Soóng Cọ…
Nhiều giá trị văn hóa mới được sáng tạo trên cơ sở hài hòa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại như bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ hay homestay nhà truyền thống. Chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc giúp tăng sức hút du khách tới Bình Liêu. Các con số cho thấy, lượng khách du lịch tới huyện miền núi biên giới này của Quảng Ninh tăng đều qua các năm. Năm 2022, huyện đón 100.000 lượt du khách. Năm 2023, lượng khách tới Bình Liêu tăng lên 150.000 lượt. Với trọng điểm đón khách chủ yếu vào mùa thu đông, Bình Liêu đang dần hình thành tại vùng Đông Bắc của Quảng Ninh một hạt nhân hút khách, một điểm kết nối tiềm năng với du lịch biển của Hạ Long vào mùa thu đông.
Ông Hà Đông Minh, Giám đốc Công ty TNHH Anytrail, đánh giá: “Với các sản phẩm du lịch đặc sắc như ruộng bậc thang mùa vàng, trekking xuyên rừng và homestay bản địa, Bình Liêu đã tạo được những sản phẩm du lịch riêng, có tiềm năng khai thác theo hướng kết nối với du lịch Hạ Long. Theo đó, chúng tôi có thể triển khai các lịch trình 3 ngày 2 đêm hoặc dài hơn để du khách khi đến với Quảng Ninh vừa được trải nghiệm hoạt động du lịch biển vừa được trải nghiệm du lịch miền núi với văn hóa của đồng bào dân tộc. Di chuyển từ Hạ Long về Bình Liêu đã được rút ngắn và thuận tiện hơn chính là điểm cộng cho hành trình du lịch kết nối biển với rừng”.
Gắn kết và phát huy các giá trị cảnh quan với văn hóa dân tộc, các địa phương miền Đông khác của tỉnh cũng dần tạo ra những sản phẩm du lịch giúp thu hút khách tới Quảng Ninh vào mùa thấp điểm, như: Mùa vàng miền Soóng Cọ, Chợ phiên Hà Lâu tại Tiên Yên; Lễ hội Trà hoa vàng tại Ba Chẽ. Hải Hà cũng cho thấy nỗ lực phát triển du lịch gắn với văn hóa trà khi năm 2024 lần đầu nâng cấp Lễ hội Trà Đường Hoa truyền thống lên quy mô cấp huyện.
Dựa trên tập tục văn hóa và sự thay đổi đặc sắc của cảnh quan theo mùa, vùng Đông Bắc của Quảng Ninh có tiềm năng đón khách du lịch trái mùa rất lớn. Tăng cường kết nối giữa các địa phương có nhiều thế mạnh văn hóa tương đồng như Bình Liêu – Tiên Yên – Đầm Hà – Hải Hà sẽ tạo ra một không gian văn hóa đặc sắc vừa rộng lớn, vừa đa dạng, đủ sức hấp dẫn để mời gọi du khách đến với Quảng Ninh.
Theo