Với những giá trị đặc biệt, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng đã và đang được Quảng Yên tích cực bảo tồn và phát huy giá trị nhằm tạo đà phát triển du lịch, mở rộng không gian kết nối du lịch từ di tích Bạch Đằng đến các điểm di tích và các địa phương trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa những giá trị của di tích, cử tri TX Quảng Yên đề nghị tỉnh xem xét đầu tư cải tạo, nâng cấp Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng.

Thời gian qua, để bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, TX Quảng Yên đã ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban điều hành dự án di tích cấp thị xã để tổ chức triển khai thực hiện. Địa phương đã chủ động chỉnh trang, tạo cảnh quan môi trường; tăng cường truyền thông, quảng bá. Đặc biệt, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, điển hình là hoạt động tham quan, trải nghiệm tại bảo tàng và các điểm di tích như đình Trung Bản, đền Hưng Học, đền Trần Hưng Đạo…
Ban Quản lý di tích Bạch Đằng cũng phối hợp với các xã, phường bảo quản mốc ranh giới di tích, vùng bảo vệ di tích, tránh việc xây dựng xâm hại, xâm lấn vào khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích. Ban hành quy chế phối hợp trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng với phường Yên Giang, Nam Hòa và xã Liên Hòa. Đồng thời, chủ động kêu gọi các tổ chức, cá nhân phát tâm công đức, tu bổ, tôn tạo, bổ sung các hiện vật làm đẹp cảnh quan, thay thế một số hiện vật lâu ngày xuống cấp, cũ, hỏng.
Từ năm 2012, TX Quảng Yên cũng đã phối hợp lập quy hoạch tổng thể dự án bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng. Dự án được phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 triển khai từ năm 2016 đến nay, tổng mức đầu tư gần 205 tỷ đồng với mục tiêu nhằm từng bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng và quy hoạch chi tiết xây dựng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự án được phê duyệt đầu tư các hạng mục: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu trung tâm di tích 7,8ha; đường giao thông vào các di tích bãi cọc Đồng Má Ngựa, bãi cọc Đồng Vạn Muối, đình Trung Bản; các công trình kiến trúc và khu tái định cư. Đến nay, bước đầu tạo được không gian, cảnh quan cho di tích.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác bảo tồn khu di tích Bạch Đằng vẫn đối mặt với một số thách thức. Bãi cọc Bạch Đằng là minh chứng sống động cho chiến thắng năm 1288. Tuy nhiên, việc bảo tồn các bãi cọc gỗ trong môi trường ngập nước đòi hỏi giải pháp kỹ thuật phù hợp để ngăn chặn sự phân hủy. Bên cạnh đó, dù đã có định hướng phát triển du lịch gắn với giá trị di tích Bạch Đằng, kết nối với các tuyến, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, nhưng việc triển khai còn thiếu sự đồng bộ. Điều này khiến cho tiềm năng du lịch của di tích chưa được khai thác tối đa, chưa xứng tầm với một di tích quốc gia đặc biệt.
Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND TX Quảng Yên đã chủ động phối hợp với các sở: Xây dựng, VH-TT&DL, Tài chính để lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng. TX Quảng Yên cũng đã hoàn thành lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết; đồng thời báo cáo đề xuất với Sở VH-TT&DL trình Sở Tài chính, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giao Sở VH-TT&DL lập chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng và đề xuất nguồn vốn vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Theo